Tết Của Ngày Xưa

Cơn gió hiu hiu se lạnh thổi dọc trên con phố dài, nó bẻn lẻn luồn lách vào từng góc của con hẻm nhỏ ôm chầm lấy những con người đang hối hả tất bật cho những ngày cuối năm. Tết đang tới dần nhưng sao không khí lại lạnh lẽo đến như vậy ? Lạnh là do tạo hóa của thiên nhiên đã thay đổi quá nhiều hay lạnh là do cái không khí Tết đã nhạt nhẽo đi mất rồi.

Tôi bỗng thèm quá những cái Tết của ngày xưa, ước gì mình chưa lớn, chưa trưởng thành như bây giờ, chưa bộn bề lo toan về cuộc sống để có thể đón Tết nhiều hăm hở, ao ước, vô tư trong sáng và thật sự “vui như Tết” của những đứa trẻ con. Cảm giác nghẹn ngào từ đâu đó nhảy vào cào xé tâm trí tôi làm lòng tôi bỗng dưng trào lên nỗi nhớ quê, nhớ mẹ, và đặc biệt nhớ cái hương vị tết của những ngày mình ngày thơ bé.

Tôi… nay chỉ mới 23 tuổi, cái tuổi mà đối với tôi nó tạm gọi là trưởng thành. Vì tôi giờ đây chỉ chập chững bước vào đời, chưa biết mình phải làm gì, chưa biết đi về đâu đơn giản chỉ đi làm kiếm sống qua ngày. Chính vì cái kiếm sống qua ngày nó làm cho Tết dường như nhạt đi mất rồi.

“Lâu rồi không còn cảm giác mong tết đến nữa, chắc vì lớn rồi, nên cách thể hiện tình cảm cũng thay đổi”

Cái Tết hồi ấy không sung túc no ấm như bây giờ, nhưng khiến ai cũng phải nao lòng khi hồi tưởng lại. Lúc bé tôi cũng mong tết lắm chứ, mỗi sáng thức dậy là chạy ù đến bên tấm lịch treo tường đưa tay xé tờ lịch cũ rồi lẩm nhẩm trong miệng một mình như thằng điên.

Không khí Tết cũng dần hiện ra trước mắt tôi, ngày 23 là ngày đưa ông táo về trời, cá chép vàng được bán ở khắp nơi, cứ ra chợ là thấy chúng nó cứ bơi lội tung tăng thích thú lắm. Sau khi đã hóa vàng xong, bọn trẻ cùng bố mẹ phóng sinh cá chép ra các ao hồ để đưa ông Táo về trời. Có lẽ ngày này thật sự ý nghĩa vì những chú cá có thể được tự do bởi con người. Nhưng tôi cũng thắc mắc lắm là tại sao cá không biết bay mà vẫn đưa ông táo về trời được ? Câu hỏi này cũng đã làm đau đầu nhiều người lắm rồi !!!

Tết Của Ngày Xưa

Mẹ tôi là thợ may nhưng mà hình như là tôi chưa bao giờ mặc đồ mẹ tôi may vào dịp Tết cả vì mẹ tôi bận lắm, phải may nhiều đồ cho người khác nữa nên tôi đâu có trách đâu. Với lại tôi cũng thích mua đồ hơn vì nó có nhiều màu sắc, có in cả hình siêu nhân nữa còn may thì làm gì mà có. Được mẹ mua cho mấy bộ đồ mà lòng vui lắm, cảm giác của đứa con nít thì không biết tả sao luôn. Lúc bé chỉ biết vui thôi chứ chẳng biết nói một lời cảm ơn cho mẹ, bây giờ muốn được mẹ mua để nói lời cảm ơn mà có được nữa đâu… Vì lớn mất rồi ai mà mua cho nữa chứ.

Nhớ lắm những buổi trưa nắng tôi cũng ngoại đi hái lá chuối để làm bánh tét, bánh chưng. Ngoại thì dùng dao chặt lá rồi tôi gom lại một đống ôm về nhà, ngoại tỉ mĩ, nhẹ nhàng rọc từng chiếc lá ra khỏi cuốn, xếp ngăn nắp vào tấm thảm để phơi nắng cho nó héo lại. Ông ngoại thì từ từ chậm rãi tước những ống tre lấy ra những sợi dây chắc nhất để buộc bánh.

Vui nhất là lúc gói bánh, cả xóm tụ tập lại sân nhà tôi trải bạc rồi cùng nhau gói bánh. Người lớn thì chuyên tâm vào công việc, còn mấy đứa nhỏ như tôi thì cần cù quậy phá. Đùa giỡn không mệt mỏi, cứ bị người lớn la mãi thôi.

Thích nhất là những bữa làm bánh thuẫn, bánh bông lan.. Mỗi khi làm bánh là tôi được giao nhiệm vụ đánh trứng với bột. Mỏi tay lắm nhưng cũng vui vì được nghịch được phá là thấy vui lắm rồi. Cái bánh ngoại tôi làm thì khỏi phải chê, nó vàng ươm, ngọt liệm, thơm ngon ngất ngây. Mỗi khi ngoại không để ý là tôi chôm một cái rồi chạy ù ra ngoài sân ăn ngấu nghiến. Còn nếu không thì ngồi đó đợi coi ngoại có sơ suất làm cháy cái nào là ăn cái đó liền. Vì tôi có sở thích là chỉ ăn bánh thuẫn lúc mới làm thôi còn để lâu là tôi không ăn đâu. Vì để lâu nó không còn thơm, không còn sức quyến rũ như lúc ban đầu nữa.

Thấy thương nhất là con heo với mấy con gà nhà tôi nuôi thôi, cũng đã tới lúc bắt tụi nó làm thịt rồi. Tiếng heo kêu cũng là tiếng báo hiệu cho mùa Tết sung túc an vui. Ngày mà làm thịt heo cả xóm cũng rần rần lắm, người thì phụ cạo lông, người thì xẻ thịt. Tôi và mấy đứa trẻ khác ngồi chồm hỗm, tay khoanh trên gối, mắt dán vào con heo. Thấy tội cho nó lắm nhưng cũng không biết làm sao nữa vì đó là số phận của mọi sinh linh, chỉ mong kiếm sau nó có thể làm một sinh linh khác tốt hơn bây giờ.

Tết của ngày xưa

Hoa Tết ngày ấy chỉ là một cành mai cắm vào lọ để trên mặt tủ. Loe hoe vài nhánh bông vạn thọ với vài nhánh cúc được trồng ngay ngắn trong chậu chưng trước cửa nhà. Nó bình dị thế thôi nhưng rất đẹp, chứ không có loè loẹt như bây giờ đâu. Còn vài cây mai trước nhà, tôi đã lặt lá từ trước bây giờ nó đã chi chít nụ bắt đầu cho những ngày khoe sắc sắp tới.

Ngày ấy nhà tôi còn là nhà gỗ nên mạng nhện có ở khắp nơi. Ngoại tôi phải vất vả lắm mới truy quét hết được tụi nó. Con tôi chỉ có công việc đơn giản hơn là lau chùi bàn ghế, rửa những cái ly, tách sao cho sạch là được.

Ánh lửa sáng rực rỡ vào đêm tối, tôi và vài đứa con nít trong sớm đùa giỡn reo hò bên nồi bánh tét lớn nấu cho cả xóm. Bây giờ là thời gian nghỉ ngơi của người lớn sau bao ngày tất bật công việc lo cho tết và ngồi nghĩ ngẫm lại một năm tuyệt vời đã qua.

Cuối cùng thì cái ngày mà tôi lãm nhãm mong chờ cũng đã tới. Đêm giao thừa nó thật vui làm sao. Pháo hoa, bánh chưng, con gà, cành mai,… tất cả đều hiện hữu trong ngôi nhà nhỏ bé mà ấm áp tình thương, mọi gia đình giàu, nghèo đều như nhau. Đó chính là giây phút thiêng thiêng, quý giá đáng trân trọng nhất, những nụ cười rạng ngời, háo hức, cảm giác hạnh phúc chính là ở đây. Những chiếc phong bao lì xì cho tụi trẻ, bộ quần áo mới được diện lên, cành lộc hái đầu xuân, lời cầu chúc một năm mới với nhiều điều may mắn…

Tết Của Ngày Xưa

Rồi Tết cũng hết. Bao nhiêu cái Tết của tuổi thơ đã đi qua. Tôi cũng đã trở thành người lớn. Ông bà và mẹ cũng đã già đi rất nhiều. Tôi phải bon chen giữa phố phường với lo toan bươn chải của cuộc sống. Làng quê mình đã khác đi nhiều. Cuộc sống đã khá giả hơn, nhưng những nền nếp cũ cũng phai dần theo năm tháng. Người ta lo làm giàu. Tết đến rồi đi như người dưng qua ngõ. Trẻ con cũng chẳng háo hức gì. Ngày thường chúng đã muốn gì được nấy rồi. Tết bây giờ chỉ đơn gian đó là một tuần nghỉ có lương mà thôi.

Giờ đây, gói mứt Tết chỉ là hình thức, trẻ con cũng không muốn ăn, thật khác xưa quá nhiều. Được đi chúc Tết ông bà, cô bác, nhận những đồng tiền mừng tuổi ngày ấy ý nghĩa lắm, nâng niu và trân trọng. Lì xì ngày nay cũng khác, phải có bao lì xì đỏ chói cho lịch thiệp, đôi khi phú quý lại sinh lễ nghĩa, mừng tuổi tiền trăm, tiền triệu, thậm chí tiền đô, lại phải lo “đối đáp tương xứng”, phần nào cũng bớt đi ý nghĩa.

Hết Tết rồi mà sao chẳng còn chút vương vấn, dường như không khí Tết chưa về. Chắc rằng cũng có nhiều người hoài niệm lắm như tôi… cái Tết của ngày xưa!

Tết ngày xưa đã đi đâu mất rồi hở Ngoại ?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *