Dưới ánh trăng sáng tỏ những câu chuyện cổ tích về trung thu được bà tôi kể lại. Chú Cụi cùng với chị Hằng đã cùng nhau tạo nên cái ngày trung thu như thế… “Sài Gòn Làm Gì Còn Trung Thu”
Thuở bé, tôi rất ghét đi học. Bài tập thì chất núi hàng ngày, tôi thì cũng chẳng bao giờ được xem trọn vẹn phim hoạt hình ngắn ngủi lúc 7 giờ tối trên HTV7 vì phải bị bắt đi học bài. Ngày tháng tiểu học của tôi gói gọn trong một lộ trình khép kín… Chỉ có những buổi trưa trốn đi chơi cùng với lũ bạn là vui nhất thôi.
Hồi đó, tôi mong chờ nhất ba thời điểm trong năm: nghỉ Tết, nghỉ hè, và Trung Thu. Mà tôi nghĩ cái mong chờ này thì đứa con nít nào cũng nghĩ giống như tôi thôi.
Tôi nhớ mãi Trung Thu lúc bé, ký ức về ngày thơ ấu tưởng như rất mờ nhạt nhưng xem ra lại là những kỷ niệm nguyên vẹn nhất mà đến già nhiều khi cũng khó quên. Và với tôi thì kỷ niệm đẹp nhất vẫn là những ngày còn con nít.
Trung Thu đến với tôi không phải qua tờ lịch mà qua những chiếc lồng đèn, qua những bài hát về Trung Thu, cái bánh ngọt, đặc biệt là ngày làm lồng đèn của lũ trẻ.
Như những đứa trẻ khác, tôi chỉ biết Trung Thu là ngày tôi được chiều chuộng và thương yêu nhất. Tôi có bánh ăn, có lồng đèn để vênh mặt với lũ nhóc trong xóm, tôi lại được nghe ông kể chuyện chú Cuội cây đa. Dù năm nào ông cũng kể, nhưng tôi vẫn thích nghe.
…….
Tôi nhớ nhất Trung Thu đêm đó. Buổi tối, cả xóm bị mất điện. Bọn trẻ ùa ra đường. Lẫn giữa tiếng gọi nhau í ới, tiếng hối thúc bố mẹ thắp lồng đèn, là tiếng người lớn chửi rủa nhà điện. Gió thổi mát rượi và đâu đó có ai cảm thán “Trăng đêm nay sáng thế!”
Sáng thật đấy chứ! Hồi ấy xóm nhà tôi còn xập xệ vì nhà quê mà nhưng chan chứa đầy ấp tiếng cười. Mấy người lớn lục tục kéo ra, mang theo mấy cái bánh Trung Thu được cắt thành bốn thành tám. Cả đám con nít chúng tôi bu lại tranh nhau. Đứa đòi thập cẩm, đứa khoái đậu xanh, đứa giật cái bánh dẻo chạy lại biếu ông. Mùi bánh cứ thế mà tỏa ra thơm ngào ngạt. Trẻ con thì ăn bánh, người lớn thì uống trà trò chuyện. Cả xóm xích lại gần nhau như một gia đình lớn, tề tựu đông đủ dưới một ngọn đèn là ánh trăng rằm hôm đó.
Ăn xong thì cả lũ đi rước đèn. Một đàn trẻ con miệng vẫn còn nhai bánh tay thì vẫn khúc khích cầm đèn chạy theo mặt trăng hát rôm rả vang cả góc trời. Cả bọn chơi đùa không biết mệt. Chả biết tối đó tôi đã chạy bao nhiêu vòng quanh xóm, đã hát bao nhiêu bài đồng dao. Đứa nào cũng mướt mồ hôi nhưng nụ cười thì vẫn sáng rõ sáng hơn cả trăng rằm.
Gió đêm lay ánh sáng đèn cầy lấp lánh cả ngõ bươm bướm, ông sao, chiếc thuyền, siêu nhân,… Có đứa thì lại trên tay lồng đèn lon sữa, vừa đi vừa kêu leng keng rất vui tai. Có đứa hậu đậu làm cháy mất lồng đèn giấy. Đứng khóc vang trời. Những kỷ niệm thật sự rất đẹp! Một Trung Thu như vậy, làm sao tôi có thể quên được?
Nhưng rồi ai cũng phải lớn lên và tôi cũng vậy cũng phải chia tay tuổi nhi đồng, cái tuổi mà hồn nhiên nhất không phải suy nghĩ điều gì. Lớn lên dần Trung Thu mờ nhạt dần trong tôi, độ thờ ơ tỷ lệ thuận với mức tăng của tuổi, độ khó khăn của xã hội và tốc độ xa quê của mấy đứa nhóc hồi xưa ngày càng nhanh.
Tôi cũng phải đi xa cái xóm thân thương để vào Sài Gòn học tập rồi làm việc từ đó Trung Thu đi đâu mất rồi. Rằm tháng tám hàng năm với tôi chỉ là diện bộ đồ đẹp rồi leo lên xe bay thẳng ra chỗ hẹn hú hí cà phê với lũ bạn rồi cả đám rủ nhau đi nhậu. Thực đơn trong ngày này hầu như không có thêm một thứ bánh gọi là Trung Thu.
Bất giác bao kỷ niệm đêm Trung Thu năm đó quay lại với tôi. Đã từ lâu lắm rồi tôi không còn thấy đứa trẻ nào dung dăng dung dẻ cầm lồng đèn đi rước trăng trong xóm nữa. Những bài đồng dao càng lúc càng xa vắng. Bây giờ nhà nào biết nhà đó. Hàng xóm cũng không còn thân tình như xưa. Thanh niên thì đổ xô ra đường đi chơi, còn con nít vẫn cặm cụi ở nhà làm bài tập, không thì đắm đuối với màn hình TV, máy điện tử hay smartphone.
Ý nghĩa thật sự của Trung Thu là ngày tết của riêng thiếu nhi, nhưng với tình hình hiện giờ, chắc vài chục hay vài năm nữa thôi, lũ trẻ chỉ biết đến Trung Thu như một truyền thuyết.
Thiết nghĩ, người trẻ và người lớn hiện đại, sành điệu thế nào thì tùy ý. Nhưng hãy cố gắng để lại cho trẻ em một tuổi thơ trọn vẹn. Vì khi lớn lên, chắc chắn ai trong chúng ta cũng đều nuối tiếc tháng ngày hồn nhiên vô tư đó của mình. Trẻ con, nhất là trẻ con trong những thành phố lớn và hiện đại như Sài Gòn bây giờ đã quá mất niềm tin vào Ông già Noel, Ông Bụt… Đừng để đến một ngày nào đó chúng ta giật mình bảo nhau: “Sài Gòn làm gì còn Trung Thu”, theo đúng cái nghĩa của nó.
Đâu đâu trong xóm bỗng có tiếng trẻ con cất tiếng hát: “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi. Em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay. Em múa ca dưới ánh trăng rằm.” Tôi nhớ Trung Thu. Tôi nhớ mấy đứa bạn hàng xóm. Sài Gòn hiện đại của tôi không thể quay lại như vùng quê ngày xưa được nữa….
Bình Luận