“Mỗi mùa trung thu, tay mấy đứa con nít lại chi chít vết xướt do tre cứa, lại phồng rộp lên do mài miệng lon bia. Duy chỉ có khuôn mặt là rạng ngời lên qua ánh nến giấy màu hồng hào, ấm áp…”
Nơi tôi sinh ra chỉ là một vùng quê xa xôi, nghèo khó chứ không phải ở thành phố xa hoa, tấp nập như bây giờ. Nhưng điều may mắn trong cuộc đời này là được sống từ nhỏ tới lớn lên ở một vùng thôn quê yên bình, trong lành và con người đối đãi với nhau bằng tình cảm tròn đầy như trăng rằm vậy.
Những đứa trẻ quê như tôi đứa nào cũng có làn da đen nhẻm, tóc khét màu và vàng hoe vì cái cháy nắng chang chang, cái gió hanh nóng gay gắt mỗi buổi trưa. Lũ trẻ quê tôi không có những thứ đồ chơi được làm sẵn theo khuôn mẫu, được sơn phết màu sắc sặc sỡ, thứ công nghệ đắt giá và hiện đại. Đồ chơi của chúng tôi được ra đời qua trí tưởng tượng và khả năng thiết kế qua tưởng tượng ngộ nghĩnh của những đứa con nít, những nhà sáng tạo đại tài trong tương lai.
Khi mùa trung thu tới, cả xóm con nít lại túm tụm họp bàn coi năm nay chơi trung thu ra sao và năm nào cũng phải có tiết mục thi làm lồng đèn. Con nít trong xóm có đứa lớn đứa nhỏ, mấy đứa con trai lớn thì đi chặt tre, vót tre, mấy đứa con gái lớn đi mua giấy màu, keo, hồ còn mấy đứa nhỏ hơn đi xin vỏ lon bia. Ai cũng có việc làm, ai cũng hăng hái nhiệt tình với công việc được giao. Những đứa trẻ quê sáng đi học, trưa về ăn cơm xong lại lén trốn ngủ trưa tụ tập dưới gốc cây xoài lớn rồi làm lồng đèn.

Bao nhiêu mùa trung thu của con nít quê đi qua như thế, mỗi mùa trung thu tay tôi lại chi chít vết xước do tre cứa, lại phồng rộp lên do mài miệng lon bia. Chỉ có khuôn mặt mỗi đứa là rạng ngời lên qua ánh nến giấy màu hồng hào, ấm áp.
Năm lên cấp 3, mấy đứa con nít ở xóm chúng tôi cũng hết thành con nít, tụi nó đã lớn hết rồi. Vậy là hết thi lồng đèn, hết tiệc trung thu từ đó. Bây giờ không đứa con nít nào chịu làm lồng đèn chơi nữa thì phải, tụi nó thích mấy cái lồng đèn điện tử có đèn chớp nhá, có nhạc ò, í, e mà sao tôi nhìn vô thấy trống rỗng.
Và rồi như thế tôi cũng dần lớn lên theo năm tháng, theo cái xóm làng quê của tôi, rồi cũng phải đi xa nhà ăn học. Ở Sài Gòn dịp trung thu tôi không còn được nghe tiếng trống múa lân, tiếng thì thầm của những đứa con nít tụ họp làm lồng đèn. Tôi chỉ thấy những đứa con nít thì đi học chính, học thêm, rồi vùi đầu vào trò chơi điện tử, những công nghệ đắt tiền mà thôi … Mà muốn tự làm lồng đèn cũng chẳng có tre để mà chặt, để mà vót mà làm lồng đèn giấy. Còn những cái vỏ lon bia thì có chăng mấy bà mua ve chai thích.
Trung thu ở Sài Gòn chỉ toàn sạp bán bánh trung thu. Càng gần trung thu, mấy sạp bánh càng náo nhiệt, mua một tặng hai, mua hai tặng ba… May mắn thay, ở một con đường quận 5 còn có con phố gọi là phố lồng đèn, cả con đường tràn đầy màu sắc của lồng đèn, đủ kiểu, đủ loại. Người trẻ nô nức tìm tới để trầm trồ, để chụp hình, để mua lồng đèn.
Riêng tôi, mỗi năm đến trung thu tôi lại nhớ về thời thơ ấu, tìm đến phố lồng đèn, đi dọc con phố lồng đèn trong biển người để nhớ về những buổi tiệc trung thu, những cái lồng đèn hình ông sao trong tuổi thơ. Để nhìn ngắm những gương mặt người hồng hào, rạng rỡ qua ánh đèn cầy và giấy màu. Để nhớ về cái xóm làng thân thương ngày bé, với những cơn gió mang theo vị nắng gay gắt những buổi trưa, nhớ về thằng Tí, con Phụng, con bé Bầu, con bé Lủng… của tôi
Bình Luận